Nâng cao vai trò của Thừa Phát Lại trong ký kết Hợp đồng bất cân thế

    “Hợp đồng bất cân thế” là hợp đồng bất cân xứng vị thế, nó xuất phát từ sự bất cân xứng thông tin trong ký kết hợp đồng dân sự giữa một bên là bên là ‘bên mạnh thế’ với một bên là ‘bên yếu thế’.

    ‘Bên mạnh thế’ là bên bán, chuyên cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, với lợi thế am hiểu sản phẩm hay dịch vụ của chính mình cung ứng. Còn ‘bên yếu thế’ là bên mua, thường là cá nhân, là đối tượng của câu nói: “người mua lầm, chớ người bán không bao giờ lầm”.

    Trong bài viết “Vụ “hô biến” tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm: Hợp đồng rút tiền và mua bảo hiểm đều có chữ ký của nhà đầu tư” có đề cập rằng: Hồ sơ người dân chuyển từ sổ tiết kiệm sang gói bảo hiểm thì được thể hiện rất minh bạch, đều có hợp đồng thanh lý và ký rõ ràng. Những hợp đồng người dân mua bảo hiểm cũng đều có chữ ký của người dân. Vậy tại sao người dân lại lật mặt tố cáo ngân hàng và bảo hiểm? Điều đó chỉ xảy ra, sau khi người dân ký hợp đồng, mới phát hiện ra rằng họ đã lầm khi ‘bút sa’, và họ (người dân) lúc này không muốn thành con ‘gà chết’.

    Sai lầm trong ký kết của người dân đến từ sự thiếu thông tin quan trọng, sự tin tưởng vào nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên tư vấn. Và một nguyên nhân khác, đó là hợp đồng bảo hiểm được ký kết tại ngân hàng. Chúng ta cần thấy được sự khác biệt giữa việc một cá nhân ký kết hợp đồng bảo hiểm tại ngân hàng thì rất khác so với việc một cá nhân ký kết hợp đồng bảo hiểm ngay tại chính công ty bảo hiểm.

    Vì khi một hợp đồng bảo hiểm được ký kết tại công ty bảo hiểm thì có nghĩa là cá nhân đó đã bỏ công đi tới công ty bảo hiểm nhằm mục đích muốn mua bảo hiểm, và có lẽ họ sẽ sẵn sàng chú tâm cho cái hợp đồng có độ dài từ 70 đến 100 trang là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua.

    Còn một hợp đồng bảo hiểm được ký kết tại ngân hàng, thì chắc chắn là cá nhân đó đã bỏ công tới ngân hàng để gởi tiền tiết kiệm và rốt cuộc là bị dụ mua bảo hiểm, khi bị tư vấn là “cũng có lợi như gởi tiết kiệm”, đó là cái rút gọn quan trọng cho 70 đến 100 trang hợp đồng bảo hiểm phức tạp và nhiều thuật ngữ chuyên môn. Như vậy thì cái hoàn toàn tự nguyện, tự do ý chí trong giao dịch dân sự có vẻ như đã bị vi phạm.

    Một điểm đặc biệt khác mà có tác động làm giảm sự cẩn trọng của một cá nhân khi mua bảo hiểm tại ngân hàng, đó là thói quen ký các thủ tục giấy tờ mẫu và hợp đồng mẫu của ngân hàng. Các thủ tục giấy tờ mẫu, hợp đồng mẫu của ngân hàng ít có tính chất ‘bất cân xứng vị thế’, nên chúng không phải là “Hợp đồng bất cân thế”, nên cá nhân khi làm thủ tục tại ngân hàng thường chỉ kiểm tra tiêu đề, chủ thể liên quan, các con số, mà thường bỏ qua các nội dung mẫu khác của giấy tờ mẫu, hợp đồng mẫu của ngân hàng. Tâm lý này duy trì cho tới chừng nào mà họ còn ở trong ngân hàng, và có khả năng khá cao là một cá nhân sẽ sơ suất để ký kết vào một “Hợp đồng bất cân thế” dưới sự tư vấn của tư vấn viên ngân hàng.

    Thêm nữa, nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên tư vấn, dưới sức ép của các chỉ tiêu kinh doanh và doanh số sẽ có “những điều mà tư vấn viên không nói với bạn”, và cho tới khi thầy google và thầy youtube nói với bạn thì bạn đã lỡ ‘bút sa’ rồi và bạn lúc này nhận ra rằng tư vấn viên của bạn đã trở thành ‘xúi dại viên’. Phải làm sao đây khi bạn không có chứng cớ cho hành vi xúi dại đó, mà ‘xúi dại viên’ ngày đó cũng đã chuyển công tác rồi.

    Để giải quyết vấn đề “bút sa mà gà không chịu chết” nêu trên, giải pháp được đề nghị là: Cần quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức đối với “Hợp đồng bất cân thế” rằng: phải có bản chứng Vi bằng được lập do Thừa Phát Lại mà bắt buộc phải do ‘bên yếu thế’ chỉ định, ghi rõ ‘bên mạnh thế’ đã thực hiện việc tư vấn đầy đủ, tuân thủ đạo đức tư vấn; ‘bên yếu thế’ đã đọc hợp đồng từ trước, hiểu rõ nội dung lợi hại được mất của hợp đồng, bên yếu thế đã trong trạng thái hoàn toàn tự nguyện, và tự do lựa chọn; hai bên đã ký và cam kết không lật kèo.

 

(Bởi NKA - Cờ Trung Đại - medChess) - http://cotrungdai.com


Hotline tư vấn: 0819777837
Zalo