Lý luận Pháp luật và Kinh tế

    Nền Kinh tế được hình thành bởi sự luân chuyển hàng hóa và tiền tệ, mà cốt lõi là dựa trên sự giao dịch trao đổi hàng hóa. Thuở ban đầu từ thời cổ đại trong tiến trình phát triển loài người thì việc trao đổi hàng hóa đơn thuần chỉ là: đổi thứ mình thừa để lấy thứ mình thiếu. Sau này, khi có tiền tệ làm trung gian trong trao đổi hàng hóa, thì mục đích chính của việc trao đổi hàng hóa chính là vì lợi nhuận. Từ lợi nhuận sinh ra tiền của, mà khi có tiền của thì người ta mua được rất nhiều thứ từ vật chất cho đến tinh thần. Và tiền của chính là hạt nhân trong ham muốn làm giàu của con người.

    Từ cổ chí kim có 2 hình thức để con người thỏa mãn ham muốn làm giàu, đó là: làm giàu chính đáng thông qua các thủ thuật trong giao dịch trao đổi; hoặc là làm giàu bất chính thông qua những thủ đoạn trong các hành vi: cướp giật, trộm cắp, lừa lọc (lừa đảo, lừa dối, lừa gạt).

    Xem xét độ tinh vi về cách thức cũng như phương pháp của 3 hành vi trong hình thức làm giàu bất chính thì hành vi cướp giật ít tinh vi nhất, tinh vi hơn là hành vi trộm cắp, và tinh vi nhất chính là hành vi lừa lọc (lừa đảo, lừa dối, lừa gạt).

    Nhưng tựu chung lại thì các đặc điểm chung của các thủ đoạn làm giàu bất chính (cướp giật, trộm cắp, lừa lọc) chính là: Tỷ suất lợi nhuận rất cao mà nó đem lại cho một bên; và gây ra Thiệt hại tổn thất cho bên còn lại.

    Cũng bởi vì áp lực kinh tế và xã hội, được cộng hưởng bởi sự cám dỗ của Tỷ suất lợi nhuận rất cao mà nó đem lại cho một bên, cho nên các thủ đoạn làm giàu bất chính (cướp giật, trộm cắp, lừa lọc) vẫn diễn ra trong xã hội hiện đại, cho dẫu là lợi nhuận cao thì rủi ro cao đi nữa.

    Nếu thủ đoạn làm giàu bất chính gây ra Thiệt hại tổn thất cho một bên, thì bên đó có 4 sự lựa chọn:

    1) là chấp nhận số phận;

    2) là sử dụng thủ đoạn (cướp giật, trộm cắp, lừa lọc) để trả đũa đối với bên mà đã dùng thủ đoạn đối với họ, để đối phương cũng phải chịu Thiệt hại tổn thất như họ, và để bù đắp bớt phần nào Thiệt hại tổn thất của họ;

    3) là sử dụng thủ đoạn (cướp giật, trộm cắp, lừa lọc) đối với người khác, để bù đắp bớt phần nào Thiệt hại tổn thất của họ, cho dẫu là họ có gây Thiệt hại tổn thất cho người khác đi nữa, thì đối với họ lúc này họ cũng sẵn sàng bất chấp, vì lợi ích của họ vẫn quan trọng trên hết;

    4) là viện cầu Công lý để đòi lại lẽ công bằng.

    Trong 4 lựa chọn trên, ai chọn Lựa chọn 1, thì người đó có lẽ có khẩu vị thích ngậm đắng nuốt cay. Tuy nhiên, người ta sẽ chấp nhận chịu đựng chuyện ngậm đắng nuốt cay đó được bao lần và được bao lâu, trước khi họ tìm đến những Lựa chọn còn lại khác.

    Trong 4 lựa chọn trên, ai chọn Lựa chọn 4, thì người đó sẽ phải chịu nhiều chi phí hữu hình lẫn vô hình trong quá trình đi tìm Công lý để đòi lại lẽ công bằng, và những chi phí này không hề nhỏ, không bao giờ đủ để bù đắp cho thời gian và công sức mà họ đã bỏ ra. Trong một số trường hợp, khi mà nền Tư pháp không đảm đương được trọng trách, thì Lựa chọn 2 và 3 còn khả thi hơn là Lựa chọn 4 nữa.

    Trong 4 lựa chọn trên, ai chọn Lựa chọn 2 và 3, thì sẽ góp phần tạo ra hiệu ứng đomino giúp lan truyền trong Xã hội hình thức làm giàu bất chính bằng những thủ đoạn thông qua các hành vi: cướp giật, trộm cắp, lừa lọc (lừa đảo, lừa dối, lừa gạt).

    Xã hội hiện đại đã xem hình thức làm giàu bất chính là bất hợp pháp, bởi vì nó tiềm tàng nguy cơ gây ra bất ổn Xã hội khi diễn ra hiệu ứng đomino từ việc lan truyền các thủ đoạn làm giàu bất chính, mà nếu đủ lượng sẽ làm sụp đổ toàn bộ hệ thống. Không chỉ thế, hình thức làm giàu bất chính còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống Kinh tế vĩ mô thông qua các chỉ tiêu Kinh tế Vĩ mô là: GDP; Lạm phát; Khoảng cách giàu nghèo.

Làm giàu bất chính gây ảnh hưởng tiêu cực lên GDP của nền Kinh tế:

    Khi hình thức làm giàu bất chính diễn ra với tần suất cao trong một nền Kinh tế, thì đó là một nền Kinh tế đầy rủi ro. Và để đối phó với sự rủi ro đó, thì các bên sẽ lựa chọn: trì hoãn giao dịch (để đánh giá lại nguy cơ và lợi ích, rủi ro và cơ hội); hoặc đình chỉ không giao dịch vô thời hạn (bởi vì nền Kinh tế lúc này quá rủi ro). Điều này sẽ dẫn đến hàng hóa tồn kho tăng cao vì không thể được đưa vào lưu thông, dẫn đến hoạt động sản xuất phải bị tạm ngừng do kho không còn chỗ để chứa hàng mới sản xuất, mà sẽ làm ảnh hưởng giảm đến Tổng sản phẩm quốc nội, nghĩa là làm GDP giảm.

    Lúc này, để giải phóng hàng tồn kho thì buộc phải giảm giá hàng bán, mà GDP được tính trên giá trị của hàng hóa, nên khi hàng hóa giảm giá thì GDP cũng giảm.

    Việc sản xuất phải đình trệ, hàng hóa tồn kho phải giảm giá, vì một lý do kỳ cục là do hình thức làm giàu bất chính thông qua những thủ đoạn (cướp giật, trộm cắp, lừa lọc) của cá nhân hoặc tổ chức đơn lẻ, nhờ vào hiệu ứng đomino, không ngờ cuối cùng sẽ góp phần làm giảm GDP của nền Kinh tế.

Làm giàu bất chính gây ảnh hưởng tiêu cực lên nền Kinh tế thông qua Lạm phát:

    Khi hình thức làm giàu bất chính diễn ra với tần suất cao trong một nền Kinh tế, thì đó là một nền Kinh tế đầy rủi ro. Và để đối phó với sự rủi ro đó, thì các bên sẽ lựa chọn: trì hoãn giao dịch (để đánh giá lại nguy cơ và lợi ích, rủi ro và cơ hội); hoặc đình chỉ không giao dịch vô thời hạn (bởi vì nền Kinh tế lúc này quá rủi ro). Trong thời gian trì hoãn giao dịch, thì các bên sẽ thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch, nhằm tìm kiếm niềm tin vào giao dịch (bởi vì niềm tin là linh hồn của giao dịch, còn hợp đồng là thân xác của giao dịch), và như thế sẽ làm phát sinh chi phí giảm thiểu rủi ro. Chi phí giảm thiểu rủi ro này cuối cùng sẽ được tính vào chi phí hàng bán, làm đội giá hàng bán (với giả thiết rằng hàng tồn kho không thể giảm giá quá nhiều tới mức bị thâm lỗ nặng).

    Việc hàng bán bị đội giá, vì một lý do kỳ cục là do hình thức làm giàu bất chính thông qua những thủ đoạn (cướp giật, trộm cắp, lừa lọc) của cá nhân hoặc tổ chức đơn lẻ, nhờ vào hiệu ứng đomino, không ngờ cuối cùng sẽ góp phần gây ra Lạm phát do chi phí đẩy.

    Và để khắc phục Lạm phát, các Chính sách Tiền tệ và Chính sách Tài khóa nghiệt ngã sẽ được triển khai áp dụng, mà cuối cùng sẽ làm tổn thương nền Kinh tế một cách cục bộ.

Làm giàu bất chính làm gia tăng Khoảng cách giàu nghèo:

    Người ta thường nói “bần cùng sanh đạo tặc”. Cái ‘bần cùng’ ở đây không phải ám chỉ cho sự nghèo, mà ám chỉ cho sự khổ. Bất cứ ai, dù là giàu, nghèo, hay đủ sống, thì khi họ rơi vào trạng thái khổ, thì họ đang ở trong trạng thái ‘bần cùng’. Bởi vậy mà có nhiều người tuy nghèo, nhưng họ thích sống an phận, thảnh thơi, nên họ vẫn có hạnh phúc. Người giàu nếu biết đủ thì hạnh phúc đã có trong tầm tay; trừ phi người giàu cho rằng họ có nghĩa vụ với xã hội, thì đối với người giàu, 2 chữ ‘bần cùng’, họ cũng không thể thoát nổi, bởi vì người giàu cũng sẽ khổ. Nhóm trung lưu có lẽ là nhóm khổ nhất, bởi vì họ chưa giàu, mà họ cũng không muốn nghèo.

    Tiền của chỉ đáp ứng phần nào cho nhu cầu đa dạng của con người để thoát khỏi sự ‘bần cùng’, bởi tiền chỉ mua được gần hết, chớ tiền không mua được tất cả, bởi vậy mà người ta vẫn nói: “Có tiền mua tiên cũng được”, hay “Cái gì không mua được bằng tiền, thì mua được bằng rất nhiều tiền”.

    Nói như vậy để thấy rằng cái ham muốn làm giàu có thể đến từ bất cứ giai tầng nào trong xã hội, miễn là họ còn khổ, thì họ còn ‘bần cùng’. Người đã giàu thì muốn giàu hơn để thỏa mãn cái tôi đối với xã hội, người trung lưu thì muốn trở thành người giàu và sợ bị nghèo, còn người nghèo thì muốn thoát nghèo, vì cái nghèo tạo điều kiện cho sự ‘bần cùng’. Và tất cả họ đều có 2 sự lựa chọn: làm giàu chính đáng thông qua các thủ thuật trong giao dịch trao đổi; hoặc là làm giàu bất chính thông qua những thủ đoạn trong các hành vi: cướp giật, trộm cắp, lừa lọc (lừa đảo, lừa dối, lừa gạt).

    Bởi vì làm giàu bất chính thì đầy cám dỗ do Tỷ suất lợi nhuận rất cao mà nó mang lại, cho dù là nó rủi ro và bất hợp pháp đi nữa, cho nên một số trong họ sẽ lựa chọn để pha trộn sự chính đáng và sự bất chính khi làm giàu, theo những tỷ lệ liều lượng khác nhau nhằm thu lấy Lợi nhuận nhiều nhất cho họ, bất chấp việc gây ra Thiệt hại tổn thất cho kẻ khác.

    Phân bố giàu nghèo trong xã hội tuân theo mô hình phân phối chuẩn lệch, trong đó: giàu lên thì rất khó mà nghèo đi thì rất dễ, cho nên, giả định rằng: người giàu chiếm 20% trong xã hội; người nghèo chiếm 30% trong xã hội; và còn lại là tầng lớp trung lưu chiếm 50% trong xã hội.

    Do vậy mà 1 người, bất kể xuất phát từ giai tầng nào trong xã hội, mà lựa chọn hình thức làm giàu bất chính, thì các nạn nhân của người đó có khả năng cao nhất rơi vào tầng lớp trung lưu (vì chiếm 50% trong xã hội), khả năng cao nhì là rơi vào tầng lớp nghèo (vì chiếm 30% trong xã hội), rồi thứ tam mới là tầng lớp giàu (vì chiếm 20% trong xã hội).

    Thêm nữa, giả định của Định luật bảo toàn của cải, phát biểu rằng: “Của cải của toàn bộ trái đất này là không đổi, mà của cải chỉ chảy từ túi người này qua túi người khác”. Với giả định đó, thì một người nếu muốn làm giàu bất chính thì sẽ phải nhắm vào rất nhiều nạn nhân, chỉ như vậy thì người đó mới có thể leo lên tầng lớp cao hơn được.

    Vì vậy mà nếu xét theo thứ tự xác suất cao của các nạn nhân tiềm năng theo 3 giai tầng đã được đề cập ở trên, thì:

    Trường hợp 1: Nếu thủ đoạn làm giàu bất chính được áp dụng lên nhiều nạn nhân là người thuộc tầng lớp trung lưu, mà khả năng cao nhất rơi vào nhóm người này (vì họ chiếm 50% trong xã hội), thì nhiều nạn nhân đó coi như đang từ tầng lớp trung lưu rớt cái uỵch xuống tầng lớp nghèo. Như vậy, một người vì muốn leo lên tầng lớp cao hơn (từ nghèo lên trung lưu; hoặc từ trung lưu lên giàu; hoặc từ giàu lên siêu giàu hay cực giàu) mà tích lũy của cải một cách bất chính bằng thủ đoạn làm giàu bất chính, thì đã kéo rất nhiều nạn nhân rơi xuống tầng lớp nghèo. Khoảng cách giàu nghèo lúc này được gia lượng một cách kiên cố vững chắc, vì số người rớt xuống tầng lớp nghèo tăng lên nhiều hơn số người leo lên tầng lớp cao hơn nhờ thủ đoạn làm giàu bất chính.

    Trường hợp 2: Nếu thủ đoạn làm giàu bất chính được áp dụng lên nhiều nạn nhân là người thuộc tầng lớp nghèo, mà khả năng cao nhì rơi vào nhóm người này (vì họ chiếm 30% trong xã hội), thì nhiều nạn nhân đó coi như đang từ tầng lớp nghèo rớt cái uỵch xuống tầng lớp siêu nghèo hay cực nghèo. Như vậy, một người vì muốn leo lên tầng lớp cao hơn (từ nghèo lên trung lưu; hoặc từ trung lưu lên giàu; hoặc từ giàu lên siêu giàu hay cực giàu) mà tích lũy của cải một cách bất chính bằng thủ đoạn làm giàu bất chính, thì đã kéo rất nhiều nạn nhân rơi xuống tầng lớp siêu nghèo hay cực nghèo. Khoảng cách giàu nghèo lúc này được kéo giãn dài ra một cách không mong đợi, vì số người rớt xuống tầng lớp siêu nghèo hay cực nghèo tăng lên nhiều hơn số người leo lên tầng lớp cao hơn nhờ thủ đoạn làm giàu bất chính.

    Trường hợp 3: Nếu thủ đoạn làm giàu bất chính được áp dụng lên nhiều nạn nhân là người thuộc tầng lớp giàu, mà khả năng cao tam rơi vào nhóm người này (vì họ chiếm 20% trong xã hội), thì nhiều nạn nhân đó coi như đang từ tầng lớp giàu rớt cái uỵch xuống tầng lớp trung lưu. Như vậy, một người vì muốn leo lên tầng lớp cao hơn (từ nghèo lên trung lưu; hoặc từ trung lưu lên giàu; hoặc từ giàu lên siêu giàu hay cực giàu) mà tích lũy của cải một cách bất chính bằng thủ đoạn làm giàu bất chính, thì đã kéo rất nhiều nạn nhân rơi xuống tầng lớp trung lưu. Khoảng cách giàu nghèo lúc này được kéo giảm số lượng người giàu nhưng lại kéo tăng số lượng người trung lưu, vì số người rớt xuống tầng lớp trung lưu tăng lên nhiều hơn số người leo lên tầng lớp cao hơn nhờ vào thủ đoạn làm giàu bất chính. Tình huống này gọi là trường hợp Robin Hood, tốt trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, nó đem lại không chỉ nguy cơ bất ổn Xã hội, mà còn có nguy cơ đào sâu Khoảng cách giàu nghèo: Vì lúc này người giàu sẽ chiếm thấp hơn 20% trong xã hội, người trung lưu sẽ chiếm cao hơn 50% trong xã hội, còn người nghèo vẫn chiếm 30% trong xã hội. Do vậy, thứ nhứt, theo thời gian diễn tiến của hiệu ứng đomino, xác suất rơi vào Trường hợp 1Trường hợp 2 sẽ tăng cao hơn Trường hợp 3, nghĩa là về dài hạn: Khoảng cách giàu nghèo hoặc sẽ gia cường như Trường hợp 1 hoặc sẽ kéo giãn như Trường hợp 2. Thứ nhì, là nguyên nhân Xã hội, người trước đây từng thuộc tầng lớp giàu thì họ đã vốn có thế lực, trí lực và sức lực tốt hơn 2 tầng lớp kia, nên họ mới từng giàu có, mà nay rơi xuống tầng lớp trung lưu, thì nếu họ dùng thế lực, trí lực và sức lực trời ban mà thực hành thủ đoạn làm giàu bất chính thì những người khác trong xã hội, ai mà chịu cho nỗi. Bởi vậy mà cũng sẽ làm cho Khoảng cách giàu nghèo ngày càng trở nên khắc khoải thêm mà thôi. Cũng bởi vì vậy mà Vatican vẫn chưa phong thánh cho Robin Hood là có lý do của nó.

Kết luận:

    Hệ thống Pháp luật (bao gồm: Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp) đóng vai trò tối thượng trong nền Kinh tế. Pháp luật không chỉ đơn thuần là bảo vệ Công lý riêng lẻ, mà là lẽ công bằng, là lẽ phải cho các cá thể vi mô, không chỉ duy trì trật tự và sự ổn định Xã hội, mà còn góp phần rất quan trọng tạo nên một nền Kinh tế ít rủi ro nhất có thể.

    Nếu một Hệ thống Pháp luật (bao gồm: Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp) hoạt động không hiệu quả, thì rủi ro phi hệ thống đến từ ham muốn làm giàu bất chính thông qua những thủ đoạn trong các hành vi: cướp giật, trộm cắp, lừa lọc (lừa đảo, lừa dối, lừa gạt) của cá thể hay tổ chức đơn lẻ, mà được nhân bản lên bởi hiệu ứng đomino, sẽ trở thành rủi ro hệ thống và làm phương hại đến tổng thể nền Kinh tế, thông qua các chỉ tiêu GDP, Lạm phát, Khoảng cách giàu nghèo, mà đã được phân tích ở trên.

    Pháp luật nếu thể hiện đúng vai trò của mình trong nền Kinh tế, là dự liệu, theo dõi, kiểm soát, và xử lý triệt để toàn diện những rủi ro đang phát sinh, đang tồn tại và tiềm tàng trong nền Kinh tế, thì Pháp luật sẽ giúp làm giảm sự khắc nghiệt dai dẳng của Chu kỳ Suy thoái Kinh tế.

    Thực vậy, hãy hình dung một nền Kinh tế, mà Hệ thống Pháp luật (bao gồm: Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp) đã không đảm đương được trọng trách, buông lỏng cho rủi ro phát sinh, tồn tại và tiềm tàng trong thời kỳ Tăng trưởng Kinh tế, thì: Khi nền Kinh tế đó đi vào Chu kỳ Suy thoái, với cái nền rủi ro đã được xác lập có sẵn trước đó, các nhà đầu tư sẽ đánh giá rằng: nền Kinh tế đó, lúc này, sẽ có rủi ro cao hơn gấp bội lần so với trước đó, vì vào thời điểm Tăng trưởng nó đã đầy rủi ro, thì vào thời điểm Suy thoái nó lại càng rủi ro hơn. Hậu quả là các nhà đầu tư sẽ đưa ra chiến lược co cụm phòng thủ, chuyển nguồn vốn đi tìm những nền Kinh tế ít rủi ro hơn. Lúc đấy, đó chính là động lực đạp đẩy nền Kinh tế đầy rủi ro đó lao dốc không phanh hãm.

    Cho dẫu có cho rằng “trong rủi ro có cơ hội” hoặc nói rằng “rủi ro cao, thì lợi nhuận cao”, thì những câu nói đó đã hàm chứa ý nghĩa phân cực sâu sắc, mà chính là gốc rễ của sự chênh lệch Khoảng cách giàu nghèo. Ai sẽ chịu rủi ro cao và ai sẽ nhận được lợi nhuận cao, điều đó phụ thuộc vào thế lực, trí lực và sức lực. Và tầng lớp giàu thì có lợi thế về những điều đó nhiều hơn so với số còn lại trong Xã hội. Có lẽ lúc này, chúng ta đã nhìn thấy được: Ai sẽ chịu rủi ro cao và ai sẽ nhận được lợi nhuận cao.

    Người giàu có quyền làm Từ thiện, nhưng việc Từ thiện đó có thể được xem như là hình thức Rửa tiền hợp pháp, nếu sự giàu có đấy đến từ thủ đoạn làm giàu bất chính. Đó chính là bỏ tiền ra làm Từ thiện để mua lấy lương tâm, mua lấy phước đức, mua lấy tiếng tăm, nhằm rửa sạch phần nào nguồn thu nhập còn lại, nếu nguồn thu nhập đó là bất chính.

    Suy cho cùng, lợi ích của việc duy trì một nền Kinh tế rủi ro là không rõ ràng, nếu có thì nó chỉ mang ý nghĩa cục bộ ngắn hạn, còn về tổng thể dài hạn thì lợi bất cập hại, mà sẽ được cộng hưởng bởi sự đạp đẩy của Chu kỳ Suy thoái Kinh tế vốn đã khắc nghiệt dai dẳng thì lại càng khắc nghiệt dai dẳng hơn nữa.

    Vấn đề Khoảng cách giàu nghèo chỉ có thể được giải quyết thông qua: Chính sách Thuế, Điều tiết và Điều phối Ngân sách Quốc gia trong Quy hoạch phát triển Kinh tế Xã hội, Phổ cập Giáo dục, các Chương trình An sinh Xã hội, các Chương trình Trợ cấp Xã hội,… Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

 

(Bởi NKA - Cờ Trung Đại - medChess) - http://cotrungdai.com


Hotline tư vấn: 0819777837
Zalo