Thuế Bất động sản – Một góc nhìn khác

Hàng hóa

    Hàng hóa luân chuyển trong nền kinh tế biểu hiện một tính chất mà có thể được phân biệt thông qua khái niệm về phổ nhu cầu (là độ rộng của nhu cầu trong xã hội), trong đó mức độ về số lượng của nhu cầu được phản ánh qua 3 thuộc tính sau, đó là: tính thiết yếu (tất cả mọi cá nhân trong xã hội đều có nhu cầu đối với loại hàng hóa nào đó); tính chuyên dụng (loại hàng hóa nào đó chỉ thiết yếu đối với một bộ phận các cá nhân, tổ chức nào đó trong xã hội); và tính xa xỉ (loại hàng hóa nào đó không có tính thiết yếu, và chỉ có một số rất ít các cá nhân trong xã hội có nhu cầu đối với loại hàng hóa đó). Để từ đó mà hàng hóa trong nền kinh tế có thể được phân loại theo phổ nhu cầu như sau:

    Nhu yếu phẩm là loại hàng hóa được tiêu thụ đại trà liên tục bởi tất cả các cá nhân trong xã hội, mà nếu chỉ thiếu loại hàng hóa đó dù chỉ 1 ngày thì có thể gây ra khủng hoảng và bất ổn xã hội, thí dụ: đồ ăn, thức uống, thuốc men, xăng dầu, điện, nước,... Nhu yếu phẩm là loại hàng hóa có tính chất thiết yếu cần thiết phải được điều tiết giá cả để có thể phù hợp với mức sống của đại đa số các cá nhân trong xã hội. Nếu nhu yếu phẩm không được điều tiết giá cả, thì dưới sức ép của các hoạt động đầu cơ và cũng bởi vì đặc tính thiết yếu của nhu yếu phẩm, thì giá cả của nhu yếu phẩm có thể bị thao túng nguồn cung, gây ra khan hiếm giả tạo, làm tăng giá đến mức mà giá cả của nhu yếu phẩm vượt quá mức sống của đại đa số các cá nhân trong xã hội, mà có thể dẫn đến tâm lý: không mua được thì cướp. Và nếu như vậy thì hậu quả khủng hoảng và bất ổn xã hội là điều không thể tránh khỏi.

    Chuyên dụng phẩm là hàng hóa chuyên dùng được tiêu thụ chuyên biệt bởi một bộ phận các cá nhân, tổ chức trong xã hội có nhu cầu riêng biệt đối với chuyên dụng phẩm nào đó, có nghĩa là loại hàng hóa chuyên dùng này chỉ thiết yếu đối với 1 nhóm cá nhân, tổ chức nào đó trong xã hội, chớ không phải là thiết yếu cho những nhóm cá nhân, tổ chức còn lại khác trong xã hội, mà nếu thiếu loại chuyên dụng phẩm nào đó trong ngắn hạn thì cá nhân, tổ chức có nhu cầu đối với chuyên dụng phẩm có thể chờ đợi để được cung cấp, thí dụ: máy móc, thiết bị, vật tư chuyên dùng,... Sự điều tiết giá cả đối với chuyên dụng phẩm chỉ đặc biệt cần thiết khi mà chuyên dụng phẩm được sử dụng để sản xuất ra nhu yếu phẩm, và sự điều tiết giá cả chuyên dụng phẩm trong trường hợp này sẽ giúp điều tiết giá cả của nhu yếu phẩm. Trường hợp chuyên dụng phẩm không được sử dụng để sản xuất ra nhu yếu phẩm thì giá cả của chuyên dụng phẩm đó được tự do xác lập bởi cung cầu thị trường, mà không cần có sự can thiệp để điều tiết giá cả của chuyên dụng phẩm đó.

    Xa xỉ phẩm là hàng hóa không phải là thiết yếu, có tính chuyên dụng thấp, và đặc biệt là có giá cả rất cao không phù hợp với mức sống của đại đa số các cá nhân trong xã hội, mà nếu có thiếu loại xa xỉ phẩm đó thì cũng chẳng chết ai cả, thí dụ: sản phẩm mắc tiền của các nhãn hàng thời trang, đồ trang sức, đồ đạc được chế tác riêng dành cho giới thượng lưu,... Giá cả của xa xỉ phẩm được tự do xác định bởi cung cầu thị trường, và không cần có sự can thiệp để điều tiết giá cả của xa xỉ phẩm nào đó.

Thuế đối với hàng hóa

    Thuế là nguồn thu chủ yếu cho ngân khố quốc gia, giúp duy trì sự hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và nhằm tài trợ cho các chi tiêu của chính phủ, mà mục đích cuối cùng là phục vụ cho lợi ích chung của quốc gia đó dưới sự giám sát của người dân (mà đại diện là quốc hội và các tổ chức đại diện cấp cơ sở). Như vậy, thuế tồn tại một cách bắt buộc và không thể loại trừ trong xã hội mà có sự tồn tại nhà nước. Tuy nhiên, việc áp thuế lên hàng hóa thì lại là một khoản chi phí phát sinh mà làm tăng giá thành của hàng hóa. Vì vậy, một chính sách thuế phù hợp sẽ giúp điều tiết giá cả của hàng hóa, định hướng điều tiết lưu thông hàng hóa, mà vẫn đảm bảo duy trì việc tăng thu cho ngân sách quốc gia. Do vậy mà việc áp dụng chính sách thuế lên hàng hóa cần có sự phân biệt: Nhu yếu phẩm cần được áp thuế thấp; Chuyên dụng phẩm cần được áp thuế từ thấp đến vừa phải nếu chuyên dụng phẩm được sử dụng để sản xuất ra nhu yếu phẩm; Xa xỉ phẩm thì có thể áp thuế ở mức phù hợp mà sao cho có thể định hướng được tiêu dùng đối với xa xỉ phẩm mà không làm suy yếu nhu cầu hợp pháp đối với xa xỉ phẩm, mà vốn dĩ là sự đa dạng nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng thì cũng giúp góp phần vào việc gia tăng thanh khoản cho nền kinh tế nói chung.

    Việc điều tiết giá cả cho nhu yếu phẩm là cần thiết, tuy nhiên, sự điều tiết đó phải điều hòa với nguyên lý cung cầu thị trường, có nghĩa là chủ thể kinh doanh phải được đảm bảo có lợi nhuận phù hợp, ngay cả trong trường hợp có áp thuế, và phải có lợi nhuận thậm chí khi mà các chế tài hành chánh và các hoạt động bình ổn giá không cho phép chủ thể kinh doanh thực hiện việc đầu cơ làm giá đối với hàng hóa là nhu yếu phẩm. Bởi vì, phải có lợi nhuận thì chủ thể kinh doanh mới có động lực kinh doanh cung ứng hàng hóa. Cách đây vài năm, sự kiện các cửa hàng xăng dầu đóng cửa ngưng cung cấp xăng dầu đã làm cho người dân phải chen chúc nhau đổ xăng tại các cửa hàng xăng dầu hiếm hoi còn hoạt động, chính là một minh chứng cho chính sách điều tiết giá cả xăng dầu bất cập đã làm cho các nhà cung ứng xăng dầu không muốn cung cấp xăng dầu nữa vì không có lãi.

    Thí dụ nhu yếu phẩm là gạo thì nhu cầu gạo lúc nào cũng sẵn có đối với bất cứ ai trong xã hội. Cho nên theo nguyên lý cung cầu, nếu thương lái gạo gây ra khan hiếm giả tạo, găm hàng thổi giá, giá cả của gạo sẽ có xu hướng tăng mạnh nếu thiếu cung, do đó thương lái gạo sẽ thu được khoản lợi lớn đến từ việc đầu cơ gạo. Chế tài hành chánh được đưa ra với các mức phạt hành chánh sẽ làm giảm ý định đầu cơ của thương lái. Các hoạt động bình ổn giá, cộng với mức áp thuế thấp lên giá gạo sẽ giúp bình ổn giá gạo sao cho giá gạo phù hợp với mức sống của đại đa số cá nhân trong xã hội. Tất nhiên là các hoạt động điều tiết giá gạo đó sẽ bào mòn lợi nhuận tiềm năng của thương lái và nhà nông.

    Thử lấy một ví dụ khác, đó là nguồn điện: Việc điều tiết duy trì giá điện thấp, mà nhằm mục tiêu tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài, không tuân theo nguyên lý cung cầu thị trường, đã dẫn đến những khoản lỗ dài hạn cho ngành điện, mà cuối cùng trở thành khoản nợ quốc gia, mà không sớm thì trễ cũng phải được bù đắp sau đó bằng việc phải tăng giá điện và giảm thuế, hậu quả là gây áp lực lên việc điều hành kinh tế vĩ mô trong việc đánh đổi giữa tăng trưởng với lạm phát, giảm thu ngân sách nhà nước, giới hạn khả năng đầu tư công.

Thuế đối với bất động sản

    Vậy thì Bất động sản là kiểu hàng hóa gì trong việc phân loại theo phổ nhu cầu?

    Bất động sảnnhu yếu phẩm khi mọi cá nhân trong xã hội đều có nhu cầu về chổ ở, các tổ chức đều cần có bất động sản để làm tư liệu sản xuất. Thiệt vậy, vì thiếu chổ ở mà một cá nhân có thể chết vì bị cảm nắng do trời nóng, cảm lạnh do trời mưa, thậm chí bị sét đánh do trời hành; còn tổ chức mà thiếu bất động sản làm tư liệu sản xuất thì coi như dự án kinh doanh chết lâm sàng. Thuế giao dịch bất động sản trong trường hợp này cần duy trì ở mức thấp, nếu cá nhân, tổ chức mua bất động sản chứng minh được họ chưa sở hữu bất động sản nào khác.

    Bất động sảnchuyên dụng phẩm khi chỉ có các cá nhân mà chưa có chổ ở, và chỉ có các tổ chức mà chưa có bất động sản, thì mới có nhu cầu về bất động sản. Trong trường hợp này, các cá nhân, tổ chức không nhất thiết phải sở hữu bất động sản, thay vào đó họ có thể thuê mướn bất động sản để khai thác và sử dụng trong thời hạn xác định. Thiệt vậy, một cá nhân mà đã có đất đai, nhà cửa ở quê nhà thì chỉ nên thuê mướn chổ ở tại thành phố, việc ráng sức sở hữu nhà ở tại thành phố có thể gây ra đột quỵ do áp lực tài chánh là rất lớn, trong khi họ có thể lựa chọn nghỉ hưu ở quê nhà. Còn các tổ chức mà muốn mở rộng sản xuất kinh doanh cũng có thể lựa chọn thuê mướn nhà xưởng, kho bãi, mặt bằng thay vì ráng sức mua đứt bất động sản mà có thể làm ảnh hưởng đến dòng vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mà về mặt chiến lược có thể làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Thuế áp lên hoạt động thuê mướn chổ ở đối với cá nhân và hoạt động thuê mướn nhà xưởng, kho bãi, mặt bằng đối với tổ chức kinh doanh, cần duy trì ở mức từ thấp đến vừa phải, vì hoạt động thuê mướn bất động sản chỉ diễn ra khi các chủ thể thuê mướn thực sự có nhu cầu, có nghĩa là đã xuất hiện tính thiết yếu. Thêm nữa, chính sách thuế khuyến khích việc thuê mướn bất động sản sẽ làm giảm nhu cầu sở hữu bất động sản, mà có thể giúp hỗ trợ điều tiết giá cả bất động sản.

    Bất động sảnxa xỉ phẩm khi nó không thiết yếu đối với các cá nhân và các tổ chức mà đã có sở hữu bất động sản rồi, hoặc đã có chiếm hữu bất động sản rồi thông qua việc thuê mướn bất động sản. Thêm nữa là bất động sản có giá cả rất cao, vượt quá mức sống của số đông thành viên xã hội. Việc mua bất động sản mà không khai thác sử dụng chỉ dành cho giới thượng lưu có nhiều tiền của. Trong trường hợp này, bất động sản đóng vai trò như là một sản phẩm đầu tư, và một cách tự nhiên nó thúc đẩy nhu cầu đầu cơ thổi giá đối với bất động sản, mà hậu quả là dẫn đến hiện tượng đông đặc vốn vào bất động sản, sau đó thì nó dẫn đến sự chôn vốn của chủ thể đầu tư vào bất động sản. Thiệt vậy, kỳ vọng lợi nhuận cao đến từ một sản phẩm đầu tư sẽ dẫn đến hoạt động đầu cơ thổi giá; hiện tượng đông đặc vốn xảy ra là khi mọi người đều nhìn thấy việc đầu tư vào bất động sản mang đến nhiều lợi nhuận, thì lẽ tất nhiên là nguồn vốn tự do có trong nền kinh tế sẽ quy tụ chuyển hướng đến hoạt động đầu tư bất động sản, thay vì nguồn vốn đó phân tán đi vào các hoạt động khác trong nền kinh tế như là sản xuất, kinh doanh, dẫn đến sự chôn vốn của chủ thể đầu tư vào bất động sản.

    Từ đây, chúng ta có thể nhìn thấy sự chôn vốn không có hại cho nền kinh tế vì thực chất nguồn vốn lưu động của chủ thể đầu tư bất động sản đã chuyển qua cho chủ thể khác, chủ thể khác này có thể sử dụng nguồn vốn này cho các hoạt động kinh tế khác ngoài bất động sản như sản xuất và kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Có chăng, sự chôn vốn vào bất động sản chỉ có hại cho chính chủ thể đầu tư bất động sản, khi chủ thể đầu tư bất động sản đã chấp nhận đánh đổi khi đầu tư dài hạn vào bất động sản, mà dẫn đến chuyện chủ thể đầu tư bất động sản không có đủ nguồn vốn lưu động để tài trợ cho các chi tiêu ngắn hạn lẫn trung hạn của chính mình.

    Cái mà thực sự có hại cho nền kinh tế, đó chính là hiện tượng đông đặc vốn, khi các chủ thể đầu tư bất động sản kỳ vọng vào lợi nhuận ngắn hạn lẫn trung hạn mà thực hành đầu cơ thổi giá, tạo ra lợi nhuận cao, thu hút sự quan tâm của các chủ thể đầu tư khác trong nền kinh tế để họ cứ tiếp tục xoay vần và xà quầng nguồn vốn của mình trong bất động sản, mà không đưa nguồn vốn là dòng tiền vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh èo uột do thiếu vốn, còn giá bất động sản thì liên tục lập đỉnh mới.

    Ngoài ra, với mục đích là đầu tư bất động sản dài hạn, thì việc găm giữ đầu cơ bất động sản rõ ràng là mâu thuẫn với tính chất thiết yếu của bất động sản là đáp ứng cho nhu cầu chổ ở của cá nhân, và là tư liệu sản xuất cho các tổ chức kinh doanh trong nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là hoạt động đầu tư bất động sản đã làm thiếu thốn chổ ở cho các cá nhân nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, và làm thu hẹp tư liệu sản xuất dành cho các tổ chức kinh doanh trong nền kinh tế. Và như vậy là nguồn lực kinh tế vĩ mô của quốc gia là bất động sản đã không được điều phối một cách hiệu quả. Do vậy mà chính sách thuế cần phải định hướng tiêu dùng đối với xa xỉ phẩmbất động sản đầu tư.

    Việc áp thuế vào hoạt động đầu tư găm giữ bất động sản sẽ đặt một khoản chi phí lên chủ sở hữu bất động sản, và làm giảm lợi nhuận tiềm năng của bất động sản, mà cuối cùng sẽ làm giảm sức thu hút của lợi nhuận đến từ hoạt động đầu tư găm giữ bất động sản. Sau đó, một cách tự nhiên, nguồn vốn nhàn rỗi sẽ tự phân tán tới các hoạt động sản xuất và kinh doanh khác trong nền kinh tế; còn quốc gia có thêm một nguồn thu thuế khác vào ngân sách nhà nước.

Việc áp thuế có làm tăng giá cả của bất động sản không?

    Câu trả lời là Không, cũng như bất cứ mặt hàng nào khác, giá cả của bất động sản được xác định thông qua nguyên lý cung cầu thị trường, chớ hoàn toàn không phụ thuộc vào việc áp thuế hay không áp thuế vào bất động sản.

    Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Việc áp thuế lên bất động sản sẽ làm tăng giá thành của bất động sản, cũng chính là làm tăng giá vốn của bất động sản. Như đã được đề cập ở trên, lợi nhuận đầu tư kinh doanh bất động sản chính bằng sự chênh lệch của giá cả với giá thành. Với việc giá cả bất động sản được quyết định bởi nguyên lý cung cầu thị trường, thì chủ thể đầu tư bất động sản phải sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận âm hoặc dương, nghĩa là phải sẵn sàng chấp nhận lời hoặc lỗ trong đầu tư kinh doanh bất động sản, mà chính là thực tiễn không thể tránh khỏi trong hoạt động đầu tư nói chung, không riêng gì đầu tư bất động sản.

    Như đã đề cập ở trên, bất động sản đầu tư là một dạng xa xỉ phẩm mà mâu thuẫn trực tiếp đến tính chất thiết yếu của bất động sản đối với nhu cầu chổ ở của các cá nhân trong xã hội, và nhu cầu làm tư liệu sản xuất của các tổ chức sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Việc áp thuế vào bất động sản đầu tư chính là việc áp sẵn một mức sinh lời tối thiểu bắt buộc phải có đối với chính bất động sản đầu tư đó, làm gia tăng lợi thế về tính thanh khoản của tiền mặt khi quy đổi ngang giá với bất động sản, so với tính thanh khoản của chính bất động sản đó. Việc áp thuế lên bất động sản đầu tư còn thúc đẩy chủ thể đầu tư phải khai thác và sử dụng bất động sản để bù đắp chi phí thuế hoặc được thụ hưởng chính sách miễn giảm thuế vì đã đưa bất động sản vào khai thác và sử dụng đúng với mục đích sử dụng bất động sản trong giấy tờ chứng nhận và đúng với quy hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật (chớ không phải khai thác và sử dụng bất động sản làm chuyện tào lao cho có).

    Thí dụ: Một nền đất thổ cư có giá cả theo thị trường là 1 tỷ đồng, giả định thuế bất động sản bằng 10% giá cả bất động sản, thuế đóng hàng năm (hàng năm, thông báo thuế sẽ được gởi thơ bằng bưu điện và được nhắn tin lần lượt đến địa chỉ và số điện thoại của chủ thể đầu tư bất động sản để nhắc nhớ về khoản thuế này; thuế này sẽ được quyết toán và được thu đủ vào thời gian chủ thể đầu tư bất động sản chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu bất động sản cho chủ thể khác), thì tiền thuế phải đóng là 100 triệu đồng/ 1 năm. Chủ thể đầu tư bất động sản sẽ nhận ra một thực tế rằng: Thứ nhứt, một nền đất so với một lượng tiền 1 tỷ đồng, thì không hề ngang giá về tính thanh khoản, vì tính thanh khoản của tiền cao hơn tính thanh khoản của nền đất; thứ nhì, 100 triệu đồng tiền thuế có nghĩa là chủ thể đầu tư muốn sở hữu 1 tỷ đồng (mà ẩn dưới dạng 1 nền đất) thì phải trả 100 triệu đồng/ năm, cũng đồng nghĩa là giá thành của 1 tỷ đồng (mà ẩn dưới dạng 1 nền đất) là 100 triệu đồng/ năm. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: Chủ thể đầu tư bất động sản nên găm giữ hay nên bán một nền đất đó, để có thể mua đứt 1 tỷ đồng tiền mặt, thay vì phải trả chi phí sở hữu 1 tỷ đồng hàng năm là 100 triệu đồng?

 

(Bởi NKA - Cờ Trung Đại - medChess) - https://cotrungdai.com


Hotline tư vấn: 0819777837
Zalo