Nhân đọc chuỗi bài viết về sự kiện: Xông vào nhà nổ súng bắn gục người đàn ông rồi tự sát, thì có một mệnh đề nổi lên gây chú ý xuyên suốt tuyến bài, đó là: "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết" (?!).
Cụm từ “nguy hiểm cho xã hội” là một thuật ngữ pháp lý được đề cập chính thức trong Bộ luật Hình sự, và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đây là một khái niệm pháp lý trừu tượng, nhiều khi gây khó hiểu, khi một chủ thể gây ra hành vi vi phạm không hề có ý định, ý muốn, hay ý chí để gây nguy hiểm cho toàn xã hội, nó đơn giản chỉ là bộc phát từ những lợi ích cá nhân hoặc những bức xúc cá nhân, hay những hành vi đơn lẻ thiếu kiểm soát về mặt nhận thức, tâm lý, cảm xúc của cá nhân.
Trong khi đó, về mặt khoa học pháp lý, khái niệm “gây nguy hiểm cho xã hội” là một khái niệm rộng, bao trùm, về một hành vi vi phạm pháp luật nếu không bị xử lý sẽ dẫn đến hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến các chủ thể liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật và gián tiếp ảnh hưởng đến xã hội. Thí dụ: một người sử dụng ma túy trước mặt người khác, nếu không bị xử lý, thì có khả năng tái sử dụng ma túy; người khác nhìn thấy người đó sử dụng ma túy mà không bị xử lý thì có khả năng bắt chước sử dụng ma túy, dẫn đến thị trường mua bán ma túy có cơ hội phát triển; từ đó, thông qua hiệu ứng domino, gây ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội.
Như vậy, trong sự việc gây tai nạn giao thông đáng tiếc kể trên, bé Tr. và ông tài xế đều là 2 chủ thể có liên quan, và với những thông tin có được thì cả hai đều có hành vi vi phạm pháp luật và đều cùng có lỗi, chớ lỗi hổng chỉ ở bé Tr.
Về phương diện lỗi, theo quan điểm riêng, ông tài xế đã mắc “lỗi vô ý vì quá tự tin” do ông tài xế đã chủ động bật đèn xin đường để vượt qua, chứng tỏ ông tài xế đã nhận thức được nguy cơ, nhưng vẫn không thể tránh khỏi gây ra tai nạn. Còn bé Tr. đã mắc “lỗi vô ý do cẩu thả” cho hành vi không chú ý quan sát, không giữ khoảng cách an toàn khi lưu thông trên đường; loại bỏ lỗi cố ý của bé Tr. bởi hành vi không chú ý quan sát và hành vi không giữ khoảng cách an toàn của bé Tr. thì chính yếu là do bé Tr. còn nhỏ tuổi, non nớt, nên thiếu kinh nghiệm trong tham gia giao thông, và hông thể có khả năng và cũng hông có bằng chứng cho rằng bé Tr. cố ý làm như dậy để tự gây nguy hiểm, tự làm hại bản thân.
Ngoài ra cũng cần xem xét kỷ lưỡng các nhân tố có liên quan khác, như chuyện chiếc xe bán tải có dừng đậu đúng quy định hay không, khi đã góp phần là nguyên nhân gián tiếp vào bối cảnh của vụ tai nạn. Nếu hông, thì lại là một ca “vô ý vì quá tự tin” nữa, hay chỉ suy xét đó là một "sự kiện bất ngờ".
Trong tình huống lỗi hỗn hợp này… À! Tất nhiên khi đã cho rằng đó là lỗi hỗn hợp, thì rõ ràng là cả hai đều có lỗi. Và để đi tới sự việc khởi tố hình sự đối với ông tài xế, thì phải xét đến các yếu tố cấu thành tội phạm để có đủ điều kiện khởi tố hình sự, trong đó tính chất và mức độ lỗi của ông tài xế nằm ở 5 yếu tố chính: tốc độ của chiếc xe ô tô tải; khoảng cách từ cái xe ô tô tải tới vị trí ngã của bé Tr.; mức độ tập trung sau tay lái của ông tài xế vào thời điểm đó; có phát tín hiệu cảnh báo (như: bóp kèn, nhá đèn, quơ tay lắc) tới các phương tiện đang tham gia lưu thông khác hay không; và có thể hiện hành động ráng sức xử lý biến cố nhằm giảm thiểu tránh gây ra thiệt hại hay không, thí dụ như: vệt thắng gấp lết bánh trên mặt đường, độ nghiêng bánh lái, người thực hiện hành động tránh né va chạm có bị thương tích sau va chạm hay không, phương tiện giao thông của người thực hiện hành động tránh né va chạm có bị hư hại hay không,...
Chính người viết bài này đã có một pha nhả ga, đạp thắng, bẻ lái bất thần để tránh chẹt bánh xe vào đầu người đi xe máy cùng chiều bị vướng xe phía trước thắng gấp mà té ngã ra đường, kết quả là người viết tránh được, không gây tai nạn giao thông, nhưng hậu quả là xe của người viết bị đảo bánh qua lại liên tục, lực đảo rất mạnh hổng thể kềm tay lái được, dẫn đến người viết bị quật tung lên không trung một cách ngoạn mục như bị quật judo, rồi người viết đáp xuống đất lăn lộn mấy vòng trên nền đường, gây ra vài vết bầm tím trên cơ thể. Đầu của người viết đội nón bảo hiểm đập xuống mặt đường làm hằn lên những vết lõm nhỏ lổ chổ trên cái nón bảo hiểm mà là do đá dăm nhựa đường gây ra. Nếu hổng nhờ cái nón bảo hiểm thì có lẽ người viết đã bị chấn thương sọ não. Thanh gác chưn xe máy bị cà mạnh xuống mặt đường, cho nên làm cho nó bị biến dạng lệch một góc lớn khỏi vị trí đúng.
Do đó mà tốc độ, khoảng cách từ lúc nhận biết tới va chạm, mức độ tập trung, có bóp kèn nhá đèn quơ tay lắc cảnh báo cho các phương tiện khác đang tham gia lưu thông hay không, có hay không hành động ráng sức xử lý sự biến nhằm giảm thiểu tránh gây ra thiệt hại, là những yếu tố quyết định chuyện có kịp phản xạ mau lẹ để tránh gây ra tai nạn hay không. Phản xạ mau lẹ kịp thời của người viết trong tình huống kể trên, đã giúp cho các chủ thể liên quan đến sự cố giao thông đó có cơ hội gặp lại phụ huynh, song thân phụ mẫu, trở về với gia đình, và quan trọng là một bài học trong tham gia giao thông, “thà trễ một giây còn hơn gây tai nạn”.
Trở lại với vụ tai nạn giao thông thương tâm nói trên, với quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra, có thể thấy rằng lỗi của ông tài xế đã được xác định là vô ý với mức độ đủ để không bị khởi tố hình sự. Đối chiếu với hành vi của bé Tr., thì chuyện té ngã ra đường của bé Tr. là cố ý hay vô ý? Với câu viết rằng: "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết", chẳng khác chi bé Tr. bị kết luận là cố ý té ngã ra đường để cho bị xe nó cán chết dậy.
Chưa bàn đến kết luận điều tra là đúng hay chưa đúng? Đã là con người sống trong xã hội thì lý lẽ đúng sai của sự thật thông thường, cho dù là ít học đi nữa, cũng hông quá khó để thấu hiểu mà chấp nhận sự thật. Nhưng thiệt khó có người cha, người ba nào lại chấp nhận con mình đang từ nạn nhân lại trở thành thủ phạm, đặc biệt là khi kết luận đó là chưa thuyết phục. Rõ ràng sự việc té ngã ra đường của bé Tr. là vô ý, nếu lúc sinh thời bé Tr. không có biểu hiện mất năng lực hành vi dân sự, hay có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, hay bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Do đó mà mệnh đề: "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết" là có vấn đề, nếu nói một cách dân dã thì câu từ có phần quá đao to búa lớn, khi rõ ràng bé Tr. đâu có ý định gây nguy hiểm cho xã hội. Điều đó thành ra càng quá khó hiểu đối một người cha, người ba đang đau khổ vì mất con. Đây có thể là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến hành vi bắn người rồi tự sát của cha bé Tr.
Mệnh đề đó, "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết", được sử dụng để kết luận có phần quá rập khuôn pháp luật, quá máy móc, chưa hay, hơi vô cảm, hời hợt, có phần thiếu khôn ngoan, và hơi ấu trĩ về phương diện nào đó, đối với một người cha, người ba tội nghiệp đang đau khổ vì mất con.
Có chăng, nên tâm lý chút xíu, đứng trước yêu cầu khởi tố vụ án đối với ông tài xế, thì kết luận chỉ nên đề cập tới đối tượng là ông tài xế, chớ đừng nên đụng chạm tới chủ thể khác thuộc về bên yêu cầu mà đặc biệt là đã chết rồi, nó hơi mang tính chất xúc phạm, cho dù là vô ý đi nữa, mạng người là quan trọng mà. Pháp luật vô tư chớ đừng nên vô tình. Nội dung của kết luận có thể đại khái rằng: chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự đối với hành vi của ông tài xế (do đây là lỗi vô ý và có phần lỗi của nạn nhân), nên quyết định không khởi tố hình sự đối với ông tài xế; khuyến cáo người thân của nạn nhân có quyền, thông qua một vụ kiện dân sự ở tòa án, đòi bồi thường dân sự cho thiệt hại về tính mạng do lỗi vô ý (của ông tài xế) được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Vào cái thời đại mà con người đang làm cho Trí tuệ nhân tạo AI càng ngày càng trở nên thông minh hơn, cảm xúc hơn giống như con người, thì - thật cân bằng - con người lại đang dần trở nên hông có cảm xúc giống như cái máy dậy.
Và có lẽ, khi một người không có tiền, không có quyền thì họ vẫn còn cái quyền làm cho công lý công bằng hơn, chăng?
(Bởi NKA - Cờ Trung Đại - medChess) - http://cotrungdai.com